Bức thư với đại úy Pháp Lê_Trực

Dù phong trào Cần Vương thất bại, nhưng lòng trung với vua, yêu dân yêu nước của ông được thể hiện qua những bức thư với Đại uý Mouteaux của Pháp với nội dung "Dụ cụ Lê Trực ra hàng và giúp Đồng Khánh". Lê Trực trả lời dứt khoát với những lý lẻ mềm dẻo:[cần dẫn nguồn]

"Đối với tôi, Đại uý vẫn có tình bằng hữu, tôi muốn ra tiếp chuyện với Đại uý nhưng người chưa khoẻ.

Khi người Pháp lấy kinh thành Hà Nội, khắp nơi đều nổi loạn chém giết nhau, tôi làm một viên quan võ cao cấp nhất trong tỉnh nên tôi phải họp thân hào, thân sĩ giúp vua giữ nước. Đại uý mới đến miền đất này nên trong mắt Đại uý người nào cũng như vậy.

Cuối năm trước, Đại uý viết thư yêu cầu tôi đình chiến và giải tán quân sĩ. Tôi có gửi đến đồn Quảng Khê (Quảng Trạch) “một món quà nhỏ”(*) để tỏ lòng thành thực với Đại uý.

Mới đây Đại uý lại lập đồn Minh Cầm để nhìn thấu bí hiểm của vùng rừng núi này. Có đồn Minh Cầm làm cho dân lành hãi hùng, hoảng sợ và Đại uý đã gây nên tai tiếng này. Đại uý nên bỏ đồn Minh Cầm rút về Quảng Khê thì chúng ta có thể đình chiến được.

Đại uý còn doạ: Nếu tôi ra hàng thì an toàn, nếu bắt được tôi là giết. Tôi đang đợi."

Năm 1887, Lê Trực lại viết thư cho Đại uý Mouteaux:

"Vua Hàm Nghi là em út vua Kiến Phúc và là người được tôn lên trị vị. Hàm Nghi lên ngôi được Thái Hậu ưng chuẩn, triều đình thoả thuận, toàn dân hoanh nghênh nên Hàm Nghi mới xứng là vua đất Nam.

Tôi là người chịu ơn của Tiên Đế, không lẽ lại thay đổi sự việc đã thành tựu. Lên làm vua là định mệnh của trời. Nếu tôi trở mặt thay lời thì tôi phải hỗ thẹn với rừng rú, sông suối, núi non, quê hương xứ sở và sau này khi tôi về thế giới bên kia tôi sẽ đắc tội với tiên Đế, tổ tiên. Vậy tôi không bao giờ bỏ vua Hàm Nghi.

Nhà tôi bị Đại uý đốt cháy, vợ tôi bị Đại uý bắt bớ, tra khảo, giam cầm. Một số tướng sĩ của tôi bị Đại uý giết nên tôi phải rày đây, mai đó, lẫn khuất trong rừng.

Đại uý biết đấy và chẳng nên ngần ngại gì nữa, bỏ đồn Minh Cầm, rút về Quảng Khê cho dân lành làm ăn yên ổn."

Hết cách, Đại uý đã nói lên lời cuối cùng: "Tôi tuyên bố quân Pháp sẽ đánh."

Lê Trực trả lời: "Tôi sẵn sàng chờ"